Mô tả nội dung môn học: Môn học tập trung vào tìm hiểu những khái niệm cơ bản như văn hóa, giao tiếp liên văn hóa và giao tiếp xuyên văn hóa. Sinh viên được yêu cầu đọc trước tài liệu trước khi đến lớp và chuẩn vị những ý tưởng cho thảo luận hay thắc mắc trong giờ giảng. Và họ sẽ tìm ra nguồn gốc các thiên kiến văn hóa, sự định kiến và phiến diện trong các phán đoán về các hành vi ứng xử của nhau của những con người cùng trong môi trường làm việc và học tập đa văn hóa. Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận nhóm và các bài tập tình huống phong phú sẽ làm bộc lộ những khe hở có thể gây hiểu nhầm do các yếu tố: giai cấp, giới, chủng tộc, sự nắm giữ quyền lực hay các nhóm đặc quyền đặc lợi nhất định. Từ lý thuyết đến thực tiễn gồm nhiều trường hợp giao tiếp liên văn hóa cụ thể hằng ngày sẽ giúp sinh viên hiểu rõ rằng họ phải biết về văn hóa của chính họ với các giả định tương ứng, trên cơ sở đó họ trang bị cho mình một quan điểm toàn diện về thế giới, chấp nhận sự đa dạng và tôn trọng những giá trị văn hóa của những thành viên thuộc nhóm văn hóa khác. Môn học khuyến khích tư duy sáng tạo khi mô tả và diễn giải các khó khăn trong tình huống phức tạp để tìm giải pháp thỏa mãn nhất. Cuối cùng, môn học giao tiếp xuyên văn hóa cũng nhắm đến những cảnh huống thông thường đòi hỏi sự hiểu rõ khoảng cách giao tiếp cá nhân, tập quán làm việc, mê tín, tục lệ tang ma…của các nhóm văn hóa và cộng đồng khác để tránh những định kiến lệch lạc hay suy diễn cục bộ và tiến gần hơn nữa sự chấp nhận tính tương đối của văn hóa.