Nhóm câu hỏi có nội dung liên quan đến tuyển sinh năm 2020

1. Câu hỏi: Em muốn đi dạy Tiếng Anh, vậy em muốn biết ngành mình đào tạo có khác gì với ngành sư phạm Anh của ĐHSP?

#IU #tuyensinh

Câu trả lời: Đúng như tên gọi, Ngành Ngôn ngữ Anh của ĐHQT đào tạo và cấp bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh, không phải Cử nhân Sư phạm tiếng Anh như ĐH Sư Phạm. Tuy nhiên, sau khi tích lũy 50 tín chỉ, sinh viên có thể chọn định hướng Giảng dạy tiếng Anh nếu có dự định tham gia giảng dạy tiếng Anh. Hai định hướng còn lại là Ngôn ngữ học và Biên-phiên dịch tiếng Anh.

2. Câu hỏi: Em có cần phải thi lấy bằng Tiếng Anh quốc tế trước khi vào học ngành Ngôn Ngữ Anh của trường mình không?

#DE #tuyensinh

Câu trả lời:

Thí sinh không bắt buộc lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trước khi vào học ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, chứng chỉ  tiếng Anh quốc tế (TOEFL iBT hoặc IELTS) mang lại nhiều lợi thế cho thí sinh. Cụ thể:

  • Theo phương thức tuyển sinh 1, 2 và 4, chứng chỉ TOEFL iBT hoặc IELTS sẽ được dùng làm tiêu chí phụ khi có nhiều thí sinh đồng điểm.
  • Điểm số của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được quy đổi thành điểm tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển khối A01, D01 như sau:
Chứng chỉ IELTS Academic Chứng chỉ TOEFL iBT Điểm quy đổi
≥ 6.0 60 – 78 10
5.5 46 – 59 8,5
5.0 35 – 45 7,5
≤ 4.5 Không quy đổi
  • Sau khi trúng tuyển, nếu có chứng chỉ TOEFL iBT >= 60 hoặc IELTS >= 6.0, sinh viên sẽ vào thẳng chương trình Ngôn ngữ Anh. Nếu không có chứng chỉ quốc tế hoặc chưa đạt chuẩn, sinh viên sẽ được thi xếp lớp, sau đó được xếp vào cấp lớp tương ứng (vào thẳng chương trình Ngôn ngữ Anh nếu đủ chuẩn hoặc học tiếng Anh tăng cường trong 1-2 học kỳ nếu chưa đủ chuẩn).

3. Câu hỏi: Sau khi tốt nghiệp ngành Cử nhân Ngôn ngữ Anh, em có thể làm những nghề gì ạ? Em có thể đi dạy tiếng Anh luôn được không ạ?

#DE #tuyensinh

Câu trả lời:

Các cơ hội việc làm cho sinh viên sở hữu tấm bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh do trường ĐHQT cấp rất đa dạng. Ví dụ:

  • Các cơ quan nhà nước, nhà xuất bản hoặc các công ty tư nhân cần nhân lực về biên dịch, phiên dịch, biên tập, hướng dẫn du lịch …
  • Các trung tâm nghiên cứu, các phòng – ban chuyên về ngôn ngữ, ngôn ngữ học ứng dụng …
  • Các trường phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ, các lớp học chuyên biệt trong các công ty, xí nghiệp …
  • Các công ty trong và ngoài nước, đáp ứng nguồn nhân lực về các lĩnh vực dịch vụ khách hàng, truyền thông, đối ngoại…
  • Các ngành nghề liên quan tới nhu cầu giao tiếp quốc tế, các ngành nghề yêu cầu khả năng xử lý các công việc đòi hỏi trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh…

Tóm lại, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh giúp các bạn có cơ hội nghiên cứu sâu về ngôn ngữ học, giảng dạy tiếng Anh và làm công tác biên phiên dịch. Không dừng lại ở đó, với sự năng động đặc thù của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng và sinh viên ĐHQT nói chung, các bạn có thể tham gia vào thị trường lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau nhờ nền tảng tiếng Anh rất vững chắc và những kỹ năng mềm được trau dồi và luyện tập thường xuyên trong suốt 4 năm học tại ĐHQT.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh có thể tham gia giảng dạy tiếng Anh ngay sau khi tốt nghiệp vì các bạn đã được đào tạo các kỹ năng giảng dạy tiếng Anh rất bài bản trong chương trình học. Tuy nhiên, việc giảng dạy còn có thể tùy thuộc vào yêu cầu của từng cấp học hoặc từng đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra, để giảng dạy ở những cấp học từ đại học trở lên, các bạn sẽ cần tiếp tục học để lấy bằng Thạc Sỹ hoặc Tiến Sỹ phù hợp.

4. Câu hỏi: Ngành Ngôn ngữ Anh có những phương thức tuyển sinh nào?

#IU #DE #tuyensinh

Câu trả lời: Hiện ngành Ngôn ngữ Anh tuyển sinh theo 6 phương thức. Trong đó,

  • Phương thức 1: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020,
  • Phương thức 2: xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (theo danh sách 150 trường do ĐH Quốc Gia TP. HCM công bố)
  • Phương thức 3: xét tuyển thẳng học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia và Olympic quốc tế môn tiếng Anh
  • Phương thức 4: xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020.
  • Phương thức 5: xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.
  • Phương thức 6: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM

Đặc biệt, trong phương thức 1, 2 và 4, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL iBT hoặc IELTS) sẽ được quy đổi điểm trung bình tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển như sau:

Chứng chỉ IELTS Academic Chứng chỉ TOEFL iBT Điểm quy đổi
≥ 6.0 60 – 78 10
5.5 46 – 59 8,5
5.0 35 – 45 7,5
≤ 4.5 Không quy đổi

5. Câu hỏi: Năm nay, ngành Ngôn ngữ Anh tuyển bao nhiêu sinh viên?

#DE #tuyensinh

Câu trả lời: 66 sinh viên cho hệ IU, 90 cho hệ liên kết với ĐH West of England (2+2 và 4+0).

6. Câu hỏi: Điểm chuẩn vào ngành Ngôn ngữ Anh, ĐHQT năm trước là bao nhiêu?

#DE #tuyensinh

Câu trả lời: Điểm chuẩn tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh năm 2019 là 23 (theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia); 920 (theo kết quả kỳ thi Kiểm tra năng lực của ĐHQG); 163 (theo kết quả kỳ thi Kiểm tra năng lực của ĐHQT).

7. Câu hỏi: Chương trình liên kết của ngành Ngôn ngữ Anh được thiết kế như thế nào? Những điểm giống và khác nhau giữa chương trình hệ IU và chương trình liên kết là gì?

#DE #tuyensinh

Câu trả lời: Chương trình liên kết ngành Ngôn ngữ Anh (với trường Đại học West of England) bao gồm chương trình 2+2 và chương trình 4+0. Chương trình 2+2 cho phép sinh viên học 2 năm tại Bộ môn Anh trường Đại học Quốc tế và 2 năm tại trường Đại học West of England (Vương quốc Anh). Chương trình 4+0 cho phép sinh viên học 4 năm tại Việt Nam trong đó 3 năm đầu sinh viên học theo chương trình của ĐHQT và 1 năm cuối học theo chương trình TOP-UP của ĐH West of England. Sau khi tốt nghiệp chương trình liên kết 2+2 và 4+0, sinh viên được Đại học West of England cấp bằng.

Đặc biệt, ở chương trình liên kết 4+0, sinh viên có một kỳ thực tập bắt buộc ngắn ở nước ngoài (trong 2-3 tuần).

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC